In bài này
Chuyên mục: Tin tức
Lượt xem: 619

Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận định đô thị thông minh vừa cần quy chuẩn chung, vừa phải "may đo" theo từng địa phương tại diễn đàn Tech Summit 2023.

"Với thành phố thông minh, mục đích cuối cùng là phát triển bền vững qua ba trụ cột gồm: tăng trưởng kinh tế, chính quyền điều hành thành phố hiệu quả với chi phí thấp, đem lại môi trường sống tốt cho cư dân", ông Đỗ Nguyên Hưng, Phó tổng giám đốc khối Dự án Schneider Electric Việt Nam, nói tại phiên mở màn của diễn đàn Tech Summit 2023, diễn ra chiều 5/1 tại White Palace, Phạm Văn Đồng, TP HCM. Diễn đàn công nghệ này nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards do VnExpress tổ chức thường niên.

Các diễn giả thảo luận về thách thức khi xây dựng thành phố thông minh tại Tech Summit 2023. Ảnh: Quỳnh Trần
 

Các diễn giả thảo luận về thách thức khi xây dựng thành phố thông minh tại Tech Summit 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Phát triển đô thị thông minh cần ưu tiên quy hoạch

Một trong những trọng điểm của quá trình xây dựng thành phố thông minh là quy hoạch, thiết kế. Theo ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions, quy hoạch luôn được đặt lên hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn và kẹt xe...

Giao thông luôn là một trong những vấn đề được chính phủ thế giới quan tâm. Việc xử lý phân luồng hiệu quả, thông minh đòi hỏi những bài toán cụ thể, thiết thực. Bàn về vấn đề này, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam, cho biết giải pháp giao thông thông minh gặp khó bởi điều kiện địa hình, khả năng tiếp cận, triển khai, giám sát công nghệ trong lĩnh vực này có sự khác biệt.

"Quan trọng nhất là phải trở nên thông minh hơn để giải 'phép tính' thiếu đồng bộ để làm giao thông trên thế giới tốt hơn trong tương lai", ông Thắng nhận định. Ông cho rằng cần áp dụng công nghệ phù hợp, thu thập thêm dữ liệu để có giải pháp, quyết định thông minh trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần những bài học để rút kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả hơn.

"Những bài học này có thể đến từ mỗi công dân. Họ là người trực tiếp tham gia giao thông và hoàn toàn có thể chia sẻ trải nghiệm để tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, phân tích, có những sáng kiến phù hợp, khắc phục những vấn đề cụ thể", ông Thắng đúc kết.

Quy hoạch thống nhất nhưng phải linh hoạt

Theo các chuyên gia, thành phố thông minh ở Việt Nam phát triển theo hướng rất nhiều nhà tư vấn, rất nhiều công ty công nghệ đến làm việc với địa phương để xây dựng đề án, nhưng mỗi đề án lại theo một hướng.

Theo ông Dương Công Đức, mỗi đơn vị có kinh nghiệm, thế mạnh khác nhau. Các ứng dụng cũng đa dạng, phụ thuộc đặc trưng từng đơn vị, lĩnh vực nên đáp ứng nó cần tính tùy biến. Đặc điểm này dẫn đến bài toán: sự đa dạng có hạn chế sự kết nối, ngăn cản các hệ thống "nói chuyện" với nhau? Để giải quyết, các hệ thống bắt buộc phải có tính thống nhất - tức một quy chuẩn về dữ liệu, giao tiếp. Còn phần tùy biến, đa dạng tùy thuộc vào sự sẵn sàng về hạ tầng, con người, nhu cầu...

"Trong tùy biến có thống nhất. Trong thống nhất có linh hoạt. Đây là điều hiển nhiên để không cản trở sự tiếp nhận của các đơn vị", ông Đức nhấn mạnh.

Về tính khả thi của mô hình, có hai luồng ý kiến: nên chọn một vài lĩnh vực nóng và có thể làm được, chẳng hạn giao thông, du lịch, y tế, môi trường... để tập trung phát triển, hay làm tất cả mọi thứ hướng đến thành phố thông minh đầy đủ để tạo sự đồng bộ ngay từ đầu.

Ông Phùng Việt Thắng đánh giá đây là vấn đề vừa lý thuyết vừa thực tiễn bởi cả hai cách tiếp cận đều có các thách thức và thuận lợi khác nhau. "Cả hai cách cần thực hiện song song", ông nói. Bên cạnh đó, cần quan tâm chuẩn công nghiệp; tôn trọng nguyên tắc tiêu chuẩn công nghiệp ngay từ bước thiết kế như thiết kế, các con số, khâu tính toán...

Công nghệ cho thành phố thông minh không có ranh giới

Một câu hỏi khiến các chuyên gia hứng thú là việc Việt Nam có phải vay mượn công nghệ của nước ngoài khi xây dựng thành phố thông minh.

Ông Thắng giải đáp: công nghệ là của nhân loại. "Ở đây không có ranh giới nước ngoài hay trong nước mà ranh giới là người tận dụng hay không tận dụng được công nghệ", ông nói.

Đồng quan điểm, ông Đức cho rằng công nghệ tạo ra sản phẩm nhưng trong thời đại ngày nay, nó chỉ chiếm 30%. Quá trình tạo ra sản phẩm chiếm đến 30% giá trị. Cuối cùng, 40% nằm ở việc người dùng hoàn thiện sản phẩm, sử dụng dữ liệu, giúp nó thông minh hơn.

"Công nghệ chỉ đóng một phần nhưng không phải phần chính. Vậy khái niệm làm chủ công nghệ, công nghệ của Việt Nam hay thế giới không có ranh giới. Chúng ta chỉ cần xây dựng và giải bài toán của địa phương bằng công nghệ", ông Đức nói.

Cơ hội việc làm cho công dân số

Một trong những vấn đề được người dùng quan tâm là thành phố thông minh có làm mất đi việc làm của người lao động trong xã hội. Theo ông Đỗ Nguyên Hưng, xét về mặt logic, sự ra đời của thành phố thông minh phải giải quyết các vấn đề xã hội là tạo ra việc làm cho công dân thay vì xóa bỏ.

"Một khi thành hình, thành phố thông minh sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp startup, nhân lực cấp cao, những ý tưởng, sáng kiến công nghệ... Tuy nhiên, sự phát triển cũng có ảnh hưởng nhất định đến lĩnh vực lao động thô. Theo xu thế, những đầu việc này sẽ dần bị thay thế bằng công nghệ, máy móc", ông Hưng nhận định.

Ông Thắng cũng nêu góc nhìn tương tự khi cho rằng các công việc gián tiếp sắp tới đều sẽ được thay đổi, rút ngắn bằng công nghệ. Theo ông, đây là việc đánh đổi GDP cấp thấp để lấy những giá trị và GDP cấp cao hơn, là cái "được" thay vì mất do quá trình số hóa.

Chương trình thu hút giới chuyên gia công nghệ cùng nhiều bạn trẻ tham dự. Ảnh: Quỳnh Trần

Chương trình thu hút giới chuyên gia công nghệ cùng nhiều bạn trẻ tham dự. Ảnh: Quỳnh Trần

Tech Summit 2023 nằm trong khuôn khổ sự kiện Tech Awards do VnExpress tổ chức. Ngoài hội thảo, chương trình còn có Triển lãm Tech Expo 2023, diễn ra xuyên suốt hai ngày 5-6/1. Tech Expo 2023 có sự tham gia của hơn 10 gian hàng, trưng bày những sản phẩm công nghệ, các giải pháp cho thành phố thông minh, phô diễn xu hướng năm tới như thực tế ảo, metaverse...

Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là lễ trao giải Tech Awards 2022 ngày 6/1. Chương trình vinh danh các sản phẩm và thương hiệu được độc giả và chuyên gia công nghệ đánh giá cao trong năm 2022 tại Việt Nam. Đây là chương trình bình chọn thường niên được VnExpress tổ chức từ 2012.

 

Minh Tú - VN Express