5 xu thế công nghệ nổi trội trong năm 2022
Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, thực tế ảo, thực tế tăng cường... được đánh giá là những xu hướng công nghệ tiếp tục phát triển vượt trội năm 2022.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngành nghề trong hai năm qua và có lẽ sẽ còn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn trong năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trực tiếp, các xu hướng công nghệ mới đã xuất hiện với tần suất dày đặc hơn để ứng phó với dịch bệnh. Dưới đây là dự báo về một số xu thế công nghệ nổi bật trong năm 2022.
Trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn là một trong những xu hướng công nghệ đình đám nhất tại thời điểm hiện tại.
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn là một trong những xu hướng công nghệ đình đám nhất tại thời điểm hiện tại. Khối lượng dữ liệu đang được thu thập về tình hình chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ lây nhiễm và mức độ thành công của các biện pháp thực hiện ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tăng lên. Điều này có nghĩa là các thuật toán học máy sẽ cung cấp thông tin tốt hơn và ngày càng tinh vi hơn dưới sự hỗ trợ của các giải pháp AI.
Từ các hệ thống giám sát năng lực đến phân tích các tương tác thông qua theo dõi, các thuật toán sẽ phát hiện ra các kết nối và thông tin chi tiết mà con người không nhận ra. Theo đó, các thuật toán này sẽ giúp dự đoán nhu cầu đối với các dịch vụ từ bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời cho phép quản trị viên đưa ra quyết định tốt hơn về thời điểm và địa điểm triển khai các nguồn lực.
Đối với mảng kinh doanh, AI hỗ trợ đưa ra các mô hình thay đổi hành vi của khách hàng. Nhiều hoạt động của con người sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, từ mua sắm, giao lưu, trò chuyện đến môi trường làm việc ảo, hội họp và tuyển dụng. Trong năm 2022, các công cụ sử dụng để phân tích những thay đổi hành vi này được nhận định là sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn và phù hợp với ngân sách và yêu cầu cơ sở hạ tầng của nhiều tổ chức.
Biểu tượng mạng 5G tại một triển lãm ở Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nghệ 5G
Nhu cầu về Internet tốc độ cao và sự chuyển hướng sang thành phố thông minh đã thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ Internet 5G và 6G. Mỗi bước tiến trong kết nối di động từ 3G trở đi đã mở ra các chân trời mới cho Internet. Công nghệ 5G bao gồm các dịch vụ như thực tế tăng cường và thực tế ảo, các nền tảng chơi game dựa trên đám mây như Stadia của Google hoặc GeForce Now của Nvidia.
Internet thế hệ thứ 5 đã giúp cho các xu hướng công nghệ khác có sẵn ở mọi lúc, mọi nơi. Các ứng dụng học máy phức tạp dựa trên khả năng truy cập thời gian thực vào các nguồn dữ liệu lớn có thể được tiến hành tại hiện trường thông qua tự động hóa.
Một ví dụ điển hình là công ty cá Salmar của Na Uy đã sử dụng mạng 5G để tự động hóa việc chăm sóc và cho cá ăn. Các thuật toán nhận dạng hình ảnh được sử dụng để phát hiện những con cá nào đang ăn quá mức hoặc thiếu ăn và tự động phân phối thức ăn và thuốc cần thiết để giữ cho chúng khỏe mạnh. Các sáng kiến như vậy ngày càng trở nên quan trọng trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp tìm cách tăng cường tự động hóa nhằm giảm gánh nặng lên lực lượng lao động.
Cuộc cách mạng As-A-Service
“Dạng Dịch vụ” (As-A-Service) là việc cung cấp các dịch vụ cần thiết thông qua các nền tảng dựa trên đám mây, chìa khóa đưa các xu hướng công nghệ khác nhau tiếp cận với mọi người. Nhờ các dịch vụ đám mây từ các gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, Amazon, các nhà đổi mới trong mọi lĩnh vực có thể triển khai công nghệ tiên tiến mà không cần đầu tư trước vào công cụ, thiết bị hoặc những người có chuyên môn.
Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, chắc chắc các công ty cần dựa vào đám mây để cung cấp các giải pháp mở rộng dưới dạng dịch vụ. Lấy ví dụ như Zoom, ứng dụng đã nhanh chóng trở thành một cái tên quen thuộc nhờ vào tốc độ bổ sung máy chủ và mở rộng phạm vi cũng như chất lượng dịch vụ để có thể nhanh chóng tăng dung lượng đáp ứng nhu cầu. Vào năm 2021, việc cung cấp giải pháp dạng dịch vụ đã trở nên quan trọng và nhiều khả năng sẽ được mở rộng trong thời gian tiếp theo.
Việc con người sử dụng ngày càng nhiều công cụ công nghệ đang bộc lộ những lỗ hổng bảo mật.
An ninh mạng
Việc con người sử dụng ngày càng nhiều công cụ công nghệ đang bộc lộ những lỗ hổng bảo mật không chỉ của riêng mạng Internet, mà còn của cả những ứng dụng. Những điểm yếu này có thể đe dọa quyền riêng tư của người dùng cá nhân và bảo mật thông tin đối với các doanh nghiệp. Mối đe dọa an ninh mạng gia tăng cùng với nhận thức cao hơn của người dùng về vấn đề bảo mật sẽ làm tăng sự tập trung vào vấn đề bảo mật trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, với khả năng kết nối Internet trở nên phổ biến và rộng rãi hơn, nhu cầu về an ninh mạng mở rộng từ doanh nghiệp sang cả các cá nhân.
Một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có số người sử dụng Internet cao nhất, cũng thuộc nhóm những nước có số lượng cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến và phần mềm độc hại cao hàng đầu. An ninh mạng không chỉ giới hạn ở việc đánh cắp dữ liệu, lừa đảo tài chính, mà còn là an ninh quốc gia. Do vậy, nhiều chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng các chính sách an ninh mạng mới để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng khả năng ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.
Kính thực tế ảo của Apple
Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)
Xu hướng công nghệ đặc biệt tiếp theo là thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Mặc dù xu hướng này chủ yếu được sử dụng để chơi game, nhưng đến nay VR và AR cũng được sử dụng để đào tạo, chẳng hạn như với VirtualShip - phần mềm mô phỏng được sử dụng để đào tạo các thuyền trưởng tàu Hải quân, Lục quân và Cảnh sát biển Mỹ. AR và VR còn có tiềm năng to lớn trong mảng đào tạo, giải trí, giáo dục, tiếp thị...
Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, khi có thêm dữ liệu về các điều kiện và cách thức lây truyền virus, các công cụ AR sẽ được sử dụng để cảnh báo thời gian thực khi con người di chuyển qua các khu vực có chứa virus SARS-CoV-2. Ngay cả những bước đơn giản như nhắc rửa tay khi chạm vào tay nắm cửa ở nơi công cộng hoặc phát ra cảnh báo khi thiết bị phát hiện chúng ta chạm vào mặt mà không rửa tay cũng có thể giúp cứu sống và ngăn con người lây lan bệnh tật ra xung quanh.
Có thể nói, theo nhiều cách, đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác cho sự phát triển của một loạt các xu hướng công nghệ quan trọng nhất hiện nay. Một số công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khôi phục “trạng thái bình thường mới”, tiến tới chuyển dần sang “bình thường tiếp theo”, trong khi một số khác giúp con người hiểu và thích nghi với sự thay đổi dễ dàng hơn.
(tổng hợp)
Tin mới
- Hướng dẫn đăng ký tài khoản và sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hà Tĩnh - 14/04/2022 03:20
- Tốc độ Internet di động tại Việt Nam tụt năm bậc - 21/03/2022 02:43
- Thông báo tổ chức thi và cấp chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin - 14/03/2022 01:32
- Thông báo tổ chức thi cấp chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin - 22/02/2022 01:46
- Tính năng mới trên Windows 11 - 21/02/2022 03:34
Các tin khác
- Gỡ ngay những ứng dụng này nếu không muốn bị đánh cắp Facebook, Instagram - 17/01/2022 07:04
- Thông báo tổ chức thi cấp chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin - 13/01/2022 08:47
- QĐ công nhận kết quả thi và cấp CC Ứng dụng CNTT cơ bản ngày 12/12/2021 - 16/12/2021 08:51
- QĐ công nhận kết quả thi và cấp CC Ứng dụng CNTT cơ bản ngày 12/12/2021 - 16/12/2021 08:51
- Thông báo tổ chức thi cấp chứng chỉ Ứng dụng CNTT cơ bản tháng 12/2021 - 13/12/2021 04:01