Thị trường máy tính tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn trầm lắng nhất trong nhiều năm trở lại đây, buộc các nhà sản xuất và bán lẻ phải giảm giá sâu để kích cầu.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, quy mô thị trường máy tính tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang có sự sụt giảm nghiêm trọng.
Nhu cầu mua máy tính giảm mạnh, lượng tồn kho cao đang buộc các hãng sản xuất và nhà bán lẻ phải có những biện pháp để thích nghi và kích cầu thị trường.
Lượng hàng tồn kho lớn, giá giảm sâu
Báo cáo từ các chuỗi bán lẻ tại thị trường Việt Nam cho thấy quý IV/2022 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu mua sắm laptop và điện thoại nói chung.
Năm 2020 và 2021 đã ghi nhận nhu cầu laptop tăng đột biến do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong thời điểm dịch Covid-19. Tới quý IV/2022 tổng quy mô thị trường laptop đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, trong khi quý I/2023 dự kiến giảm 35-40%.
"Do quá lạc quan về nhu cầu laptop trong năm 2022, thị trường Việt Nam và thị trường toàn cầu đều đang hứng chịu cảnh tồn kho dâng cao. Ước tính tồn kho của toàn thị trường laptop đang ở mức 8-12 tháng bán hàng", đại diện một chuỗi bán lẻ cho biết.
Thông tin với Zing, đại diện một doanh nghiệp sản xuất chip xác nhận lượng laptop tồn kho trên thị trường đang rất lớn. Một số hãng laptop đã kéo dài vòng đời của sản phẩm bằng cách lùi lịch ra mắt các thế hệ tiếp theo.
Nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho, cải thiện tình hình dòng tiền, các chuỗi bán lẻ đều đang phải triển khai các chương trình khuyến mãi giảm lên tới 30-40% giá thành sản phẩm nhằm mục đích thu hút khách hàng.
Một nhà phân phối các sản phẩm IT chia sẻ năm 2022 là giai đoạn cực kỳ khó khăn và biến động. Các mặt hàng linh kiện PC, đặc biệt là VGA, giảm giá sâu, nhà phân phối đang phải chịu lỗ 20-30%.
"Hiện còn rất nhiều hàng VGA đang nằm trong kho mà không bán ra được do giá trên thị trường đã giảm 60-70%. Lợi nhuận các sản phẩm laptop sụt giảm 40-50%, thậm chí có rất nhiều dòng sản phẩm phải cắt lỗ để thu hồi tiền", vị này chia sẻ.
Báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động cho thấy doanh thu từ mảng laptop trong năm 2022 giảm đã 5% so với cùng kỳ, đạt 5.300 tỷ đồng.
Khó khăn chung trên toàn cầu
Theo báo cáo từ Gartner, lượng máy tính cá nhân (PC - bao gồm máy tính để bàn và laptop) xuất xưởng trên toàn thế giới trong quý IV/2022 đạt 65,3 triệu chiếc, giảm 28,5% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức giảm trong quý lớn nhất được ghi nhận kể từ giữa những năm 1990, thời điểm đơn vị này bắt đầu thống kê thị trường máy tính.
Không chỉ vậy, tổng lượng máy tính xuất xưởng trong năm 2022 đã giảm 16,2% so với 2021, chỉ đạt 286,2 triệu chiếc. Đây là mức giảm theo năm lớn nhất của thị trường máy tính toán cầu mà Gartner từng ghi nhận.
Ông Mikako Kitagawa, Giám đốc phân tích tại Gartner, cho biết những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng và lãi suất cao đã có tác động lớn đến thị trường và nhu cầu mua máy tính của người dùng.
"Nhiều người dùng đã mua máy tính mới trong thời điểm dịch Covid-19, trong khi túi tiền ngày càng eo hẹp khiến nhu cầu máy tính của người tiêu dùng hiện giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm”, vị này chia sẻ.
Ngoài ra, thị trường máy tính dành cho doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế kém tích cực. “Nhu cầu máy tính từ các doanh nghiệp có dấu hiệu sụt giảm vào quý III/2022 và hiện đã chuyển từ cung vượt cầu nhẹ sang suy giảm rõ rệt. Các khách hàng doanh nghiệp đang kéo dài vòng đời của PC và trì hoãn việc mua sắm thiết bị mới. Thị trường B2B có thể sẽ không tăng trưởng trở lại cho đến năm 2024”, ông Kitagawa nói thêm.
Báo cáo cũng cho thấy lượng máy tính tồn kho bắt đầu tăng cao vào nửa năm 2022 và trở thành nút cổ chai đối với thị trường. Vào thời điểm đó, nguồn cung máy tính thấp khi so với nhu cầu từ thị trường, cùng với đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong suốt giai đoạn 2021-2022. Tới 2023, thị trường đã có xu hướng thừa cung khi nhu cầu từ người dùng toàn cầu sụt giảm.
Cũng theo số liệu từ Gartner, Lenovo đã có năm 2022 đầy khó khăn dù hãng xuất xưởng gần 69 triệu máy tính các loại và tiếp tục nắm 24% thị phần toàn ngành. Lượng PC mà hãng bán ra đã giảm 17,3%, mức giảm theo năm cao nhất mà Gartner từng ghi nhận được từ Lenovo.
Trong khi đó, HP bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại thị trường EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi). Lượng máy xuất xưởng của hãng tại thị trường này đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với Dell, nhu cầu thấp tại thị trường doanh nghiệp (B2B) đã ảnh hưởng đến doanh số của hãng trong nửa cuối năm 2022.
“Tổng lượng PC xuất xưởng toàn cầu vào năm 2022 gần bằng với mức trước dịch Covid-19, với lô hàng năm 2019 dưới 300 triệu chiếc. Thị trường PC đã trải qua những thăng trầm rất bất thường trong 11 năm qua. Sau giai đoạn tăng trưởng phi thường 2020-2021 do đại dịch, thị trường đã có những dấu hiệu sụt giảm rõ ràng. Xu hướng này sẽ tiếp tục và kéo dài cho đến đầu năm 2024", Kitagawa nhận định.
Thích nghi
Nói với Zing, đại diện Intel Việt Nam xác nhận thị trường PC đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu bởi ảnh hưởng suy thoái của tình hình kinh tế vĩ mô.
"Đây là sự biến động chưa từng có trong thị trường máy tính. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đặc biệt, sau khi tăng trưởng mạnh trong đại dịch Covid-19, nhu cầu PC tại khu vực châu Á, cụ thể là tại Việt Nam đã cho thấy nhiều dấu hiệu giảm sút. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát kinh tế đang diễn ra khiến sự sụt giảm về nhu cầu PC ngày càng rõ ràng hơn", vị này cho biết.
Còn theo đại diện của Dell chia sẻ với Zing, xu hướng sụt giảm quy mô của thị trường máy tính đã được hãng dự đoán trước nhờ cảnh báo từ các chuyên gia trong ngành cũng như số liệu từ mạng lưới phân phối.
Vị này tiết lộ hãng đang đưa ra các biện pháp dựa trên những đợt suy thoái kinh tế trước đây hay những lần thị trường biến động.
Với Lenovo, doanh nghiệp cho biết sẽ cần một vài sự điều chỉnh, cắt giảm nhân sự ở một vài mảng vận hành, đồng thời tuyển dụng thêm ở những mảng đang tăng trưởng tốt như dịch vụ.
"Chúng tôi nghĩ thị trường thiết bị thông minh đang trong giai đoạn tồi tệ nhất", ông Yang Yuanqing, CEO của Lenovo, chia sẻ.
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Văn Giáp, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, khẳng định doanh nghiệp vẫn tự tin có thể tiếp tục vượt qua những thời điểm đầy khó khăn và trở ngại trong ngành nhờ vào một chiến lược kinh doanh rõ ràng, khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Về kế hoạch cắt giảm nhân sự, ông Giáp cho biết trên bình diện cả tập đoàn Lenovo đang nỗ lực giảm chi phí hoạt động, bao gồm các điều chỉnh giảm chi tiêu tổng thể cũng như điều chỉnh lực lượng lao động khi cần thiết và thích hợp.
Nguồn: zingnews
Tin mới
- Google sẽ xóa các tài khoản không được sử dụng trong hơn hai năm - 15/05/2023 07:53
- Mã độc trong ứng dụng gọi điện tấn công doanh nghiệp Việt - 17/04/2023 02:05
- Rộ tin giả 'mất sạch tiền vì nghe cuộc gọi AI' - 13/04/2023 08:41
- Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về Sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số - 24/03/2023 01:55
- Internet Việt Nam tăng hạng dù đứt cáp - 21/03/2023 09:36
Các tin khác
- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức người lao động khi sử dụng mạng xã hội - 28/02/2023 04:21
- Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam – Đại diện quốc gia của Tập đoàn Khảo thí Tin học Certiport (Hoa Kỳ) tổ chức cuộc thi tin học văn phòng vô địch thế giới - 16/02/2023 01:37
- ChatGPT “mở đường” cho đột phá thay đổi, điều chỉnh về chính sách và công việc - 16/02/2023 01:27
- Microsoft chia sẻ những rủi ro của AI thường bị phớt lờ - 16/02/2023 01:19
- AI, Web3 và cơ hội của công nghệ Việt trong 2023 - 06/01/2023 08:49