- Chi tiết
- Tác giả ITC
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 550
Hiện nay, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam tăng đột biến. Đây cũng chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát, lây lan mạnh. 5 loại mã độc phổ biến theo thống kê từ Bkav.
Theo đánh giá, mức thiệt hại của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, tương đương 0.24% GDP. Tuy nhiên, theo nhận định, bức tranh toàn cảnh an ninh mạng 2022 tại Việt Nam vẫn còn những điểm nóng.
Trong đó phải kể tới mã độc đánh cắp tài khoản đã có thể "xuyên thủng" cơ chế bảo mật 2 lớp; số lượng máy tính nhiễm mã độc APT ở mức cao; ransomware chuyển hướng tấn công sang máy chủ; lừa đảo tài chính online bùng nổ hay cả những thách thức đến từ tiền mã hoá.
Bkav cho biết, 5 mã độc phổ biến tấn công người dùng Việt Nam trong năm 2022 là Macro, PasswordStealer, FileStealer, APT và ransomware. Và thiệt hại do virus máy tính gây ra ở mức 21.2 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia Bkav cho hay, năm 2022 mã độc Macro đã bùng nổ với hơn 1.5 triệu máy tính của người dùng Việt Nam bị lây nhiễm dòng malware này. Sau khi xâm nhập vào máy, mã độc tiến hành thu thập thông tin, cài cắm các mã độc khác và đặc biệt sẽ tìm, lây lan sang các file tài liệu khác để phát tán mạnh hơn nữa.
Đứng thứ 2 top lây nhiễm trong năm qua là mã độc đánh cắp file dữ liệu FileStealer, xâm nhập 750.000 máy tính. Con số lây nhiễm "khủng" này là nhờ việc mã độc kết hợp giữa phát tán qua USB và giả mạo icon các phần mềm PDF, MS Office, khiến người dùng lầm tưởng mã độc là các file tài liệu và mở chúng lên. Khi được kích hoạt, FileStealer tìm kiếm toàn bộ các file định dạng .doc, docx, xls, xlsx, pdf... gửi về máy chủ của hacker.
Nguy hiểm hơn, mã độc PasswordStealer có thể “xuyên thủng” cơ chế xác thực 2 bước. Dòng mã độc này lây nhiễm hơn 525.000 máy tính tại Việt Nam trong năm qua, với hơn 15.000 biến thể, đánh cắp và chiếm đoạt tài khoản Facebook, Gmail, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của nạn nhân.
Cũng theo thống kê của Bkav, 180.000 máy tính trong các cơ quan, tổ chức Việt Nam bị nhiễm mã độc APT trong năm vừa qua. Con đường phát tán chủ yếu vẫn là gửi email với nội dung dụ dỗ hoặc thúc giục mở file đính kèm. Mã độc kích hoạt ngay khi người dùng mở file, từ đó âm thầm hoạt động trên máy tính nạn nhân.
Không chỉ vậy, virus còn cài đặt thêm các module thành phần khác để điều khiển từ xa, đánh cắp dữ liệu, leo thang đặc quyền, lợi dụng thiết bị để tiếp tục hành vi tấn công len sâu hơn vào hệ thống của cơ quan, tổ chức...
Năm 2022, các chuyên gia Bkav ghi nhận chiến dịch tấn công ransomware quy mô lớn, nhắm vào các máy chủ chứa dữ liệu kế toán. Theo ghi nhận, năm 2022, có tới hơn 14.500 máy nhiễm ransomware. Trong đó, các máy chủ chứa dữ liệu kế toán là một trong những đích nhắm của tội phạm.
Tại Việt Nam, có tới 40% người dùng không sao lưu (backup) dữ liệu, hoặc thực hiện không đúng cách dẫn đến những thiệt hại nặng nề, không thể khôi phục lại dữ liệu khi không may trở thành nạn nhân của tấn công ransomware.
Năm 2022, lừa đảo tài chính online bùng nổ và khiến nhiều người trở thành nạn nhân với những hình thức phổ biến như lừa đảo nâng cấp SIM, gọi điện mạo danh, SMS Brandname giả mạo… Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức mới khi có tới 6.8 triệu người tham gia thị trường tiền mã hoá.
Theo dự báo, năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, hacker sẽ ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nguồn lợi tài chính hấp dẫn cũng sẽ khiến mã độc mã hóa tống tiền tiếp tục nở rộ trong năm tới. Các chuyên gia dự báo, tấn công APT nhằm mục đích gián điệp sẽ gia tăng trong năm 2023.
- Chi tiết
- Tác giả ITC
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 579
Tổng giám đốc VieON phân tích hành vi người dùng đang chuyển sang Internet, ai cũng có thể làm nội dung số; đơn vị Việt cần tăng sự hiện diện, quảng bá văn hóa bản địa...
Thông tin do ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VieON nêu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022).
Ông Thủy trích dẫn thống kê của PWC dựa trên số liệu của 84 quốc gia, cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò lớn trong việc phát triển nội dung số và hệ sinh thái nội dung số và dịch vụ số. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo với các chính sách thúc đẩy.
Đại diện VieOn chỉ ra 4 bên tham gia trong hệ sinh thái nội dung số, gồm Chính phủ (PolicyMaker - người tạo ra chính sách), nhà cung cấp nội dung (Content Providers), dịch vụ viễn thông (Telecom Operators - nơi truyền tải thông tin) và các nền tảng platform (platform providers) để truyền tải thông tin đến người dùng cuối. Từ năm 2018, Việt Nam đã xác định 5 nhóm sản phẩm thúc đẩy trong thời gian tới, gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, phần mềm diệt virus, trình duyệt, hệ điều hành.
Về xu hướng phát triển của nội dung số, theo ông Thủy, người dùng đang có sự dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang Internet. Theo đó,75% dân số Việt Nam sử dụng Internet - ước tính khoảng 72,1 triệu người. 95% người dùng Internet xem video. Họ dành ra trung bình 84 phút mỗi ngày để xem video.
Nội dung đến từ khắp mọi nền tảng số. Theo thống kê của VieON, Việt Nam đang có tỷ lệ người dùng Internet chiếm hơn 73% dân số.Trung bình mỗi người dùng sử dụng Internet trong nước lên đến 6 giờ 38 phút mỗi ngày. Có hai hành vi chính trên Internet là xem TV và video (2 giờ 47 phút) và lướt mạng xã hội (2 giờ 28 phút), chiếm khoảng 80% số thời gian sử dụng Internet.
Các điều kiện này, giúp ai cũng tạo ra được nội dung và đăng tải trên mạng xã hội, tạo ra sự đa dạng về nội dung, thu hút người xem. Theo thống kê, 70% nội dung trên mạng xã hội được tạo ra bởi người dùng mạng xã hội, Tiktoker, Youtuber... Ở chiều ngược lại, điều này gây ra thực trạng nhốn nháo khi nhà nhà và người người sản xuất nội dung số. Nhà sản xuất đưa nội dung lên các nền tảng xã hội có thể kiếm tiền.
Xu hướng thứ hai, theo ông Thủy, là từ truyền hình truyền thống thành truyền hình số và OTT. Hiện có 26 triệu hộ gia đình với hơn 13 triệu thuê bao truyền hình trả tiền bao, cho thấy cơ hội rộng lớn.
Về xu hướng trong phát triển hệ sinh thái số có 5 điểm chính. Thứ nhất, thay đổi trong trải nghiệm người xem sẽ tạo nên làn sóng đột phá trong sản phẩm. Thứ hai, việc khai thác và lựa chọn nội dung số sẽ thay đổi mạnh mẽ. Thứ ba, mô hình doanh thu sẽ thay đổi một cách mạnh mẽ (quảng cáo, thuê bao). Thứ tư, các công ty sẽ chiều khách hàng để có thể chiếm hữu người xem. Thứ năm, nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc nhận định tương lai.
Hệ sinh thái nội dung số Việt Nam cũng đang đối diện với nguy cơ bị kiểm soát và xâm lăng văn hóa ngay trên sân nhà, khi dịch vụ nghe nhìn văn hóa bị kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài, và hầu hết những nội dung trên các ứng dụng OTT ngoại đều không được kiểm duyệt
Về giải pháp để cạnh tranh với nội dung và nền tảng nước ngoài này, ông Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của đẩy mạnh các nền tảng OTT trong nước do Việt Nam kiểm soát, tăng sự hiện diện trên mọi thiết bị để giúp người Việt tiếp cận tốt hơn. Lấy ví dụ từ VieON, nền tảng này thường đẩy mạnh sáng tạo nội dung thuần Việt, chiếm lĩnh nền tảng social để dẫn về nền tảng tự chủ OTT, như thông qua chiến lược dùng "best cut" để dẫn dắt khán giả từ Youtube về OTT. Bên cạnh đó, nội dung cần duy trì và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.
"VieON chuyển đổi số trên chính sản phẩm số của mình, với các điểm chạm người dùng được đặt trên toàn bộ hành trình... Hệ thống quản trị bằng Big Data, do đội ngũ Việt Nam phát triển", ông phân tích.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
VFTE 2022 diễn ra vào ngày 8/12. Sự kiện quy tụ gần 1.000 lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Chương trình có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Thị Hiền
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 477
Full disk giống như căn bệnh kinh niên mà người dùng Windows 10 nào cũng ít nhất từng nghe đến một lần.
Từ Windows 8 trở đi, Microsoft đã chi tiết hóa cửa sổ Task Manager để người dùng biết được cụ thể ứng dụng nào đang chiếm nhiều tài nguyên và đó là loại tài nguyên gì. Tuy nhiên, cho đến Windows 10, thảm họa mới xảy ra với lỗi kinh điển full disk hay 100% disk usage.
Lỗi này phần lớn nguyên do là Windows 10 mặc định bật nhiều tác vụ chạy ngầm trong khi máy tính với cấu hình đời cổ buộc phải lên đời Windows mới nhất sẽ gặp không ít trục trặc. Đây từng là một lỗi khá phổ biến thời điểm Windows 10 mới ra mắt, nhưng sau đó dần dần đã được khắc phục bởi các bản cập nhật mới của Microsoft, cũng như nhờ cấu hình máy tính đã mạnh hơn đáng kể.
Tắt bớt các dịch vụ chạy ngầm của Microsoft là thứ hữu hiệu nhất giúp máy tính chạy mượt mà hơn, không kể là có bị lỗi full disk hay không
Nhờ việc phần lớn máy tính đều đã được trang bị ổ SSD, việc đọc ghi cơ bản là nhanh hơn, nên lỗi full disk cũng hiếm khi xảy ra với người dùng Windows 10. Tuy nhiên, vẫn có một xác suất nhất định khi một ngày đẹp trời bạn bị dính lỗi này, vậy sẽ phải làm gì?
Thông thường, các hướng dẫn trên mạng sẽ yêu cầu người dùng tắt hết các dịch vụ của Microsoft trong services.msc, reset lại RAM ảo, tắt Sysmain (tên trước kia là Superfetch), tắt tìm kiếm, tắt diệt virus, tắt tự động cập nhật Windows, cập nhật driver, kiểm tra toàn diện ổ cứng…
Tuy nhiên, nếu như đã làm theo đủ hướng dẫn trên mạng mà vẫn bị full disk thì phải làm sao? Trường hợp này khá hiếm nhưng không phải không xảy ra, kể cả với những máy tính cấu hình cao và có tuổi đời sử dụng dưới 2 năm. Lúc này, hãy ‘bắt bệnh’ full disk bằng cách mở Task Manager lên và truy tìm ứng dụng nào đang chiếm nhiều tài nguyên nhất và tìm cách tắt nó đi bằng các hướng dẫn cụ thể trên mạng.
Cần chú ý phân biệt giữa lỗi full disk và full disk bởi máy yếu, nhưng mở quá nhiều tác vụ
Tuy nhiên, người dùng cần hết sức lưu ý không nên đánh đồng lỗi 100% disk với các vấn đề khác như 100% CPU, 100% GPU hay 100% Memory. Bởi tùy từng trường hợp cụ thể mà có những cách giải quyết khác nhau.
Biện pháp mạnh cuối cùng với mọi lỗi phần mềm mà người dùng đã bó tay không thể sửa được, đó là xóa sạch ổ SSD, cài lại phiên bản Windows sạch. Nhưng đây là biện pháp dành cho người dùng có kinh nghiệm và cần phải backup dữ liệu trước khi thực hiện.
Cuối cùng, 100% disk trong những trường hợp nhất định chưa hẳn là lỗi, mà có thể là do ổ cứng đã bị vắt kiệt sức bởi quá nhiều phần mềm, tác vụ bật lên cùng lúc mà ngốn nhất chính là mở trình duyệt quá nhiều tab, quá nhiều tiện ích chạy ngầm trên trình duyệt.
Theo ICTnews
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Thị Hiền
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 543
Google đã mang trực tiếp tính năng quét ảnh Ống kính (Google Lens) tăng cường AI ra ngoài trang chủ tìm kiếm.
Google đã tích hợp công nghệ nhận dạng hình ảnh Ống kính vào một số sản phẩm của mình từ khá lâu, bao gồm cả Google Photos và Chrome. Sau khi được tăng cường thuật toán AI hình ảnh, Google đã đặt trực tiếp tính năng Ống kính ngay trên trang chủ, bên dưới thanh tìm kiếm.
Rajan Patel - Phó Chủ tịch kỹ thuật của Google, người phụ trách Tìm kiếm và Ống kính cho biết, đây là một thay đổi lớn vì không phải tự nhiên Google lại làm như vậy vì trước đây có rất ít sự hoán đổi sắp xếp trang chủ.
Google Ống kính tăng cường AI đặt ngay trang chủ, bên dưới thanh tìm kiếm. Ảnh: The Verge
Nhấp vào nút Ống kính (biểu tượng máy ảnh) sẽ nhắc bạn tải lên hoặc dán URL của một hình ảnh. Sau đó, bạn được đưa đến một trang khá quen thuộc nếu đã từng sử dụng ứng dụng Ống kính hoặc bất kỳ tính năng tích hợp nào khác của Google.
Nếu Google Hình ảnh cho phép bạn tìm kiếm những bức ảnh tương tự từ khá lâu thì giờ đây Google Ống kính còn vượt xa hơn nữa. Nó sẽ dùng thuật toán AI quét ảnh kết hợp với kho dữ liệu khổng lồ của Google để cố gắng cung cấp cho bạn thông tin về những gì xuất hiện trong hình. Nếu quét hình ảnh của một sản phẩm, bạn sẽ nhận kết quả mua sắm hoặc nếu tải lên hình ảnh về thực vật hoặc động vật, Google sẽ cho bạn biết nó là gì, với rất nhiều hình ảnh sử dụng để tham khảo chéo.
Kết quả tìm kiếm khi người dùng tải lên hình ảnh một chú mèo. Ảnh: The Verge
Ngoài ra, còn có một số tính năng tích hợp khác. Nếu bạn quét một hình ảnh có chứa văn bản, bạn sẽ có thể sao chép và thậm chí dịch nó. Và nếu bạn quét mã QR, Ống kính sẽ cung cấp thông tin về nó. Google cũng cung cấp cho người dùng một liên kết thực hiện tìm kiếm ngược hình ảnh để tìm xem nó đến từ đâu.
Theo ITC news
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Thị Hiền
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 538
Sáng ngày 19/10/2021, tại văn phòng làm việc TT CNTT, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị cán bộ viên chức năm học 2022 - 2023, nhằm kiểm điểm các công tác đã đề ra trong năm học 2021 - 2022 và xây dựng, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch năm học 2022- 2023.
Tham dự hội nghị có đại diện ban giám hiệu Nhà trường, Phó hiệu trưởng, TS. Hồ Thị Nga và toàn thể cán bộ nhân viên TT CNTT. Hội nghị đã nhất trí bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 03 đại biểu: giám đốc TT CNTT Nguyễn Viết Phú - chủ tịch Hội nghị, Thư ký hội nghị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch công đoàn bộ phận Phạm Thị Mỹ.
Dưới sự chủ trì của Đoàn Chủ tịch, Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đã diễn ra sôi nổi, tích cực. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Hội nghị cán bộ, viên chức của TT CNTT năm học 2022 – 2023; Báo cáo kết quả công tác năm học 2021 -2022 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm học 2022 - 2023; Báo cáo tổng kết phong trào thi đua năm 2022;
Trên cơ sở các nội dung báo cáo, toàn thể viên chức của đơn vị đã tích cực thảo luận, thẳng thắn đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công việc, khẳng định vị trí, vai trò của TT CNTT trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chuyên môn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Sau buổi làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Hội nghị đã đi đến biểu quyết thông qua các chỉ tiêu cơ bản của nhiệm vụ năm 2023 và thống nhất các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, hứa quyết tâm thực hiện bằng biểu quyết 100% ý kiến nhất trí.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Viết Phú - Giám đốc TT CNTT đề nghị toàn thể viên chức, người lao động trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị năm 2023.
Danh mục các khóa học
Tin mới
- Người dùng mạng xã hội phải khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm không quá 24 giờ
- Bảo mật hai lớp bị bẻ khóa, người dùng cần làm gì để tự bảo vệ?
- Tin tặc lợi dụng cụm từ tìm kiếm ít phổ biến trên Google để phát tán phần mềm độc hại
- Microsoft và Quantinuum tạo bước đột phá trong lĩnh vực máy tính lượng tử
- Phần mềm độc hại TrickMo đánh cắp mã PIN Android bằng màn hình khóa giả mạo
Tin đọc nhiều
- Cách khắc phục một số lỗi của máy chiếu trong việc giảng dạy
- Hướng dẫn cài đặt Google Drive trên máy tính
- “Điểm mặt” 6 thách thức đe dọa an ninh xã hội từ không gian mạng
- "Em yêu biển đảo quê hương" - Một chủ đề trong Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII
- Lấy thông tin từ báo chí, Facebook, YouTube sẽ phải trả tiền bản quyền