- Chi tiết
- Tác giả ITC
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 2456
ICDL (International computer Driving licence) là tên gọi trên phạm vi quốc tế của bộ chứng chỉ châu âu ECDL (European computer Driving Licence). Năm 1999 – sau khi ECDL được phổ biến và công nhận rộng rãi tại các nước châu âu. Tại Việt Nam, theo công văn số 3712/BTTTT – CNTT vào ngày 13/11/2015, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức công nhận ICDL hoàn toàn đáp ứng và phù hợp yêu cầu của Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được quy định bởi Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 về “Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT”. Trường Đại học Hà Tĩnh là trung tâm khảo thí đầu tiên ở Hà Tĩnh được phép tổ chức đào tạo, thi cấp chứng chỉ ICDL (chứng chỉ ICDL có thể thay thế chứng chỉ theo chuẩn TT03).
ICDL được xây dựng, phát triển bởi những chuyên gia hàng đầu trong giới khoa học, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của châu âu và thế giới. Chất lượng và uy tín của bộ chứng chỉ được khẳng định qua hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc triển khai thành công các chương trình đánh giá Công nghệ thông tin và truyền thông tới hàng triệu người với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.
Cuộc thi chinh phục ICDL - ICDL Digital Challenge (gọi tắt là cuộc thi ICDL) là cuộc thi về kĩ năng sử dụng CNTT dành cho đối tượng sinh viên toàn châu Á, do Tổ chức ICDL Asia (Thái Lan) phát động và tổ chức. Mục đích của cuộc thi là tạo ra một sân chơi dành cho các sinh viên đam mê CNTT tham gia và học hỏi; đồng thời để tìm ra những sinh viên ưu tú, có kĩ năng sử dụng CNTT hàng đầu ở Khu vực.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2017, cuộc thi đã diễn ra thành công với sự tham gia của 3500 thí sinh, 106 trường học trên 7 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay, ICDL Digital Challenge tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của 10 quốc gia trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam các bạn thí sinh sẽ tham gia thi vòng loại trên phạm vi toàn quốc và Vòng chung kết quốc gia để tìm kiếm 02 đại diện xuất sắc nhất tham dự Vòng chung kết Châu Á được tổ chức tại Thái Lan.
- Thời gian:
- Vòng 1 – Vòng loại Quốc gia: 14/05/2018 đến 25/06/2018
- Vòng 2 – Vòng chung kết Quốc gia: 11/08/2018 đến 20/08/2018
- Đối tượng
- Là sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc
- Tuổi từ 18 đến 25
- Có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản để học hiểu nội dung bài thi
Được dự đồng ý của Hiệu trưởng Trường Trường Đại học Hà Tĩnh, Trung tâm CNTT thông báo phát động Cuộc thi chinh phục ICDL năm 2018. Cụ thể như sau:
Thời gian thi Vòng 1 tại trường: 15/06/2018 đến 25/06/2018
Thời gian thi Vòng 2 (cấp Quốc gia): 11/08/2018 đến 20/08/2018
Thời gian tham dự Vòng Chung kết (tại Thái Lan): Thông báo cụ thể sau
Thông tin cụ thể tham khảo trực tiếp trên website và facebook của Trung tâm Công nghệ Thông tin:
- Website: http://itc.htu.edu.vn;
- Facebook: https://www.facebook.com/itc.htu.edu.vn/
Sinh viên đăng kí dự thi và liên hệ trực tiếp hoặc qua Email, điện thoại, Website của Trung tâm CNTT – Trường Đại học Hà Tĩnh
- Cơ sở Đại Nài: Tầng 1, nhà A4 (nhà Thư viện), Cơ cở Đại Nài, Đại học Hà Tĩnh
- Cơ sở Cẩm Vịnh: Tầng 5, nhà A1, Cơ sở Cẩm Vịnh, Trường Đại học Hà Tĩnh.
- Điện thoại: 0979.266.446; 097.845, Hotline: 08885.64.858 ;
- Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.;
- Đăng ký online: https://goo.gl/vhZyRS
CÁC MODUL ICDL ĐÀO TẠO:
Mô-đun cơ bản:
Mô-đun 1: Cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông (Computer Essentials)
Mô-đun 2:Cơ bản về mạng trực tuyến (Online Essentials)
Mô-đun 3:Xử lý văn bản word(Word processing)
Mô-đun 4:Sử dụng bảng tính (Spreadsheet)
Mô-đun tiêu chuẩn:
Mô-đun 5: Sử dụng trình chiếu (Presentation)
Mô-đun 6: Sử dụng hệ quản trị Cơ sở dữ liệu (Using database)
Mô-đun 7:Biên tập web (Web Editing)
Mô-đun 8:Biên tập ảnh (Image Editing)
Mô-đun 9:Lập kế hoạch dự án (Project Planning)
Mô-đun 10: Công tác trên mạng trực tuyến (Online - Collaboration)
Mô-đun 11: An toàn và bảo mật thông tin (IT Security)
Mô-đun 12: Thiết kế đồ họa hai chiều (2D Computer – Aided design)
Mô-đun 13: Sử dụng hệ thông thông tin y tế (HIS) Mô-đun nâng cao
Mô-đun 14: Xử lý văn bản nâng cao (Advanced Word - Processing)
Mô-đun 15: Sử dụng bảng tính nâng cao (Advanced - Spreadsheet)
Mô-đun 16: Sử dụng trình chiếu nâng cao (Advanced - Presentation)
Mô-đun 17: Cơ sở dữ liệu nâng cao (Advanced - Database)
- Chi tiết
- Tác giả Hoàng Văn Sơn
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 2429
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa gửi công văn cảnh báo điểm yếu an toàn thông tin nghiêm trọng trên các thiết bị router (định tuyến) và switch (chuyển mạch) của Cisco.
"Có hơn 1000 thiết bị bị ảnh hưởng và Việt Nam là một trong những nước có dải IP bị dò quét lỗ hổng này nhiều nhất. Đặc biệt các thiết bị này đều là những thiết bị sử dụng trong môi trường mạng lớn và các hệ thống lõi", công văn của Cục An toàn thông tin cho biết.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo về nhóm 40 điểm yếu an toàn thông tin (lỗ hổng) trên nhiều thiết bị của Cisco trong đó có lỗ hổng với mã lỗi quốc tế CVE-2018-0171 tồn tại trong chức năng Smart Install của hệ điều hành Cisco IOS, đây là một chức năng sử dụng để quản lý cài đặt, triển khai thiết bị và thường được bật mặc định.
Theo cảnh báo, đối tượng tấn công khai thác lỗ hổng bằng cách gửi một thông điệp giả mạo Smart Install đến cổng TCP 4786 của thiết bị. Việc khai thác thành công cho phép đối tượng tấn công khởi động một tiến trình để nạp lại thiết bị, thực thi mã lệnh từ xa hoặc thực hiện một vòng lặp vô hạn trên thiết bị dẫn đến tình trạng từ chối dịch vụ.
Ngày 28/3/2018, Cisco đã xác nhận thông tin về lỗ hổng này trên các thiết bị router/switch của mình. Các chuyên gia an toàn thông tin của Cisco cho biết, đối tượng tấn công đã lợi dụng lỗ hổng CVE-2018-0171 để thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng trên thế giới. Việt Nam bị dò quét lỗ hổng này nhiều nhất nên người dùng cần hết sức cảnh giác.
Danh sách các thiết bị mạng Cisco bị ảnh hưởng
Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh nguy cơ bị tấn công mạng, Cục An toàn thông tin khuyến nghị quản trị viên tại các cơ quan, tổ chức kiểm tra, rà soát các thiết bị mạng có thể bị ảnh hưởng và khắc phục lỗ hổng.
Để kiểm tra lỗ hổng CVE-2018-0171, quản trị viên có thể sử dụng công cụ mà Cisco công bố. Khi phát hiện lỗ hổng, cần khắc phục bằng cách nâng cấp hệ điều hành theo hướng dẫn của Cisco .
https://github.com/Cisco-Talos/smi_check
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Cao Thế
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 2060
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là điều khó tránh khỏi nhưng mối quan hệ của chúng với con người như thế nào luôn là câu hỏi được đặt ra và hiện chưa thể trả lời.
Tương lai dành một chỗ cho trí tuệ nhân tạo
Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo – AI hiện nay gây ra nhiều mối lo ngại, điều này không có gì mới mẻ. Những câu chuyện viễn tưởng đã viết lên thảm họa người máy với trí tuệ của con người trong suốt vài chục năm qua. Các nhà khoa học cũng vẽ ra những định luật để ngăn ngừa sự phản bội của người máy với con người trước khi cả trí tuệ nhân tạo xuất hiện. Nhưng trên thực tế, trí tuệ nhân tạo trong tương lai có phải là mối đe dọa hay không thì chưa ai có thể khẳng định. Câu chuyện về hiện đại hóa đã có tiền lệ trước đây.
Cuộc cách mạng ngành dệt tại Anh hồi năm 1800 đã tạo nên sự khủng hoảng đối với rất nhiều công nhân nhưng thật khác với những gì họ sợ hãi. Sự phát triển của máy móc đã tạo ra hàng loạt ngành công nghiệp mới và đưa thế giới vào sự phát triển vượt bậc. Nên, việc trí tuệ nhân tạo phát triển cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho chúng ta.
Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán, bởi ngay bản thân con người hiện nay cũng không thể hình dung được sự phát triển của công nghệ trong tương lai gần.
Năm 1903 đánh dấu cho lịch sử Hàng không bằng chuyến bay của anh em nhà Wright người Mỹ, máy bay của họ có động cơ khả dĩ duy trì bay trong một khoảng cách vài trăm mét. Nhưng chỉ 50 năm sau, chúng ta đã chứng kiến chiếc Boing 707 đầu tiên cất cánh. Boeing 707 là niềm tự hào của người Mỹ khi sức chứa của nó gấp 5 lần so với những chiếc máy bay thời điểm đó.
Sự rút ngắn về thời gian thay đổi công nghệ càng ngày càng ngắn lại, smartphone đã thay đổi thế giới trong suốt 10 năm qua. Và hiện nay, dường như rất nhiều người trong chúng ta không thể thiếu được chiếc điện thoại thông minh.
Trong thực tế, smartphone có thể xem như một trí tuệ nhân tạo thô sơ bởi vì nó chưa đạt được tới khả năng tương tác hoàn mỹ với con người. Nhưng chúng ta đã sống không thể thiếu nó, vậy thì viễn cảnh tương lai con người phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo là điều dễ hiểu.
Trí tuệ nhân tạo bắt đầu từ nhu cầu tự động hóa của con người. Một trang trại ở Mỹ hiện nay có thể gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch mùa vụ bằng những thiết bị tự động và được quản lý bằng ứng dụng. Sự chính xác hoàn mỹ cộng với khả năng làm việc tận tụy không mệt mỏi, không đình công, không đòi tăng lương của các cỗ máy đã lấy đi công việc của con người. Giống như cuộc cách mạng công nghiệp hồi năm 1800 nhưng sự khác biệt ở đây là tốc độ và khả năng thay thế của nó quá lớn. Lớn đến nổi chúng ta chưa kịp chuẩn bị những công việc mới, những ngành nghề mới cho thế hệ sau. Từ những nghề cơ bản cho đến phức tạp như phẫu thuật, máy móc đã có khả năng thay thế con người.
Ngay cả những trò chơi, máy móc đã chiến thắng chúng ta. Ngày 11/5/1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bái đại kiện tướng cờ vua người Nga - Garry Kimovich Kasparov, đánh dấu cột mốc của việc thành lũy bất khả xâm phạm của con người là trí tuệ bị sụp đổ. Gần đây nhất AlphaGo đã đánh bại con người trong trò chơi phức tạp nhất thế giới – cờ vây. Chúng ta còn gì tự hào để coi máy tính không bằng con người? Phóng viên từng đoạt giải Pulitzer - Nicholas Carr và nhà khoa học trường Stanford - Edward Geist cho rằng sự sáng tạo và trực giác của con người khi đối mặt với những vấn đề phức tạp là không thể thay thế, và đó là lợi thế so với sự chính xác của máy tính.
Nhưng điều này cũng không còn tồn tại khi hàng loạt tác phẩm hội họa đã được tạo ra bằng các cỗ máy trí tuệ nhân tạo đơn giản. Cuối tháng 7/2017 vừa qua, AI của Facebook vốn được dạy dỗ bằng tiếng Anh, nhưng dường như nó đã chán ngán với những sắc thái và sự không nhất quán của thứ ngôn ngữ này. Thay vì tiếp tục sử dụng tiếng Anh, chúng đã tự mình phát triển một hệ thống các mã mới để giao tiếp hiệu quả hơn – một ngôn ngữ mới hình thành.
Những điều này khiến những câu chuyện viễn tưởng về người máy thay thế con người càng được khẳng định và sự lo lắng là điều có thể hiểu được. Ngay từ thủa trí tuệ nhân tạo còn sơ khai, con người đã được bao quanh những câu chuyện viễn tưởng mà nơi đó robot thống trị và loại người diệt vong. Những câu chuyện đó dù không có thực nhưng đã khiến chúng ta mặc định sẵn những thành kiến về trí tuệ nhân tạo.
Thay thế con người
Sự bùng nổ gần đây của AI xuất phát từ các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook, Amazon, Microsoft và Apple. Mối quan ngại ngày càng gia tăng khi các công ty này quá lớn và kiểm soát quá nhiều dữ liệu, trong đó có thuật toán đào tạo AI.
Trung Quốc cũng đã tham gia cuộc đua với kế hoạch thống trị thế giới về phát triển trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Hiện có rất ít quy định cách thức phát triển của AI. Các công ty công nghệ lớn đã bắt đầu thảo luận về nhu cầu hướng dẫn nguyên tắc để đảm bảo AI chỉ được sử dụng cho lợi ích công cộng.
Hồi đầu năm 2017, Erica - một robot xinh đẹp và giống người nhất trên thế giới xuất hiện với nhiều khả năng thú vị. Ngoài việc trả lời câu hỏi một cách tự nhiên nhất, Erica còn được lập trình để có thể giao tiếp đồng thời với ngôn ngữ cơ thể và cho người nghe một cảm giác thoải mái như đang tiếp chuyện với người thật. Erica còn có thể sử dụng điệu bộ cử chỉ kết hợp trong quá trình trò chuỵện như nháy mắt, nghiêng đầu, liếc mắt…Tất cả các động tác kết hợp nhịp nhàng và mềm mại. Lúc này, robot đã gần giống con người hơn một chút xíu. Điều này đồng nghĩa với những phiên bản tiếp theo, Erica sẽ giống với con người nhiều hơn và xa hơn nữa chúng ta sẽ khó phân biệt đâu là người và đâu là những cỗ máy.
Bỏ qua mặt sinh học thì bộ não chúng ta giống như một bảng mạch và trung tâm dữ liệu. Tương lai, với các thuật toán và sức mạnh tính toán thì viễn cảnh máy móc có thể sao chép bộ não của con người là có thể hay nói cách khác, con người có thể sao lưu và tạo ra một phiên bản mới của bộ não.
Bộ phim về người máy Chappie cũng là một viễn cảnh, kĩ sư trẻ Deon Wilson – nhân vật trong phim tự sao lưu bộ não của mình vào robot, một viễn cảnh không quá mới nhưng mở ra khá nhiều ý niệm. Việc đưa bộ não của mình mang vào robot mang đến điều gì? Sự bất tử.
Trong thực tế, điều này đã và đang diễn ra. Elon Musk đã giới thiệu Neuralink, một công nghệ giúp upload não người lên Internet giống như trong bộ phim viễn tưởng. Neuralink đang theo đuổi công nghệ có tên là "Neural Lace" giúp cấy điện cực nhỏ vào não người để kết nối với máy tính. Như vậy chúng ta có thể upload hay thậm chí download thông tin từ Internet.
Geoffrey Hinton – một trong những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, người đã dẫn đường cho những cỗ máy bằng Machine learing và phát minh ra một tập hợp các bài học máy học được gọi là “Deep learing” nhờ đó các mạng thần kinh được mô hình hoá trên các hình thức tạo ra bộ não con người, cho phép các máy móc học theo cách tương tự như một đứa trẻ mới biết đi.
Điều này có nghĩa là máy tính có thể tự xây dựng các lớp trí tuệ. Các hệ thống này đã được tăng tốc trong những năm gần đây nhờ công nghệ chế tạo mạnh mẽ và đang trở thành xu hướng chủ đạo. Chúng xuất hiện khắp nơi từ các mẫu nhận dạng giọng nói trong điện thoại thông minh của chúng ta cho đến phần mềm phát hiện hình ảnh và trợ lý Amazon nhằm giúp người dùng biết cuốn sách nào cần mua tiếp.
Trí tuệ nhân tạo đồng hành cùng con người
Những người chủ trang trại ở Mỹ được nhắc đến ở phần trên thực sự hài lòng với những cỗ máy tự động của mình. Chúng mang đến nhiều giá trị cũng như giải phóng cho khỏi nhiều công việc nặng nhọc. Có thể sự phụ thuộc máy móc xuất hiện nhưng những người nông dân ở đây hài lòng vì đã sở hữu những cỗ máy đó.
Đúng vậy, sự sở hữu có thể xóa đi đám mây ảm đạm về nhận định tương lai của những cỗ máy. Con người, máy móc, trí tuệ nhân tạo có thể cùng đồng hành với nhau để cùng khám phá những điều mới mẻ như thiên hà, vũ trụ để cùng thay đổi.
Câu chuyện còn quá xa, nhưng trong thực tế gần đây việc AI đồng hành với con người mang đến nhiều lợi ích, ví dụ các phần mềm về luật như Ailira khi được thử nghiệm, có thể giúp một người không có căn bản gì về luật, vượt qua kỳ thi về luật thuế của trường Đại học Adelaide (Úc). Với sự trợ giúp của AI, người dân trong tương lai có thể tự mình giải đáp và xử lý các rắc rối về pháp lý, khi mọi điều luật liên quan và giải pháp đã được máy tính nghiên cứu và đưa ra hướng xử lý tối ưu.
Mặc dù có những lo ngại về việc quân sự hóa AI, nhưng Geoffrey Hinton vẫn đề cao tầm quan trọng của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và y tế. Tập đoàn Cisco ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2015 - 2020 đối với sự kết nối giữa các máy móc (M2M) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là 30%, nhiều hơn tốc độ tăng trưởng 29% đối với xe kết nối công nghệ. Trong số 218 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng AI được thống kê gần đây thì trong đó có 21 công ty phát triển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe và có 54 công ty tham gia vào lĩnh vực thuốc dự phòng, trong đó có 44 công ty được thành lập bắt đầu từ năm 2010.
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế không phải là sự thay thế mà đó là sự nâng cấp và tăng cường năng lực. Ví dụ như phương pháp X quang truyền thống sẽ thay đổi, máy móc có những ưu thế hơn đồng nghĩa với việc những con người có chuyên môn lĩnh vực này sẽ bị đào thải. Đó là điều đáng buồn nhưng việc những cỗ máy X quang sở hữu trí tuệ nhân tạo hiệu quả hơn rất nhiều. Nó cũng vẽ ra viễn cảnh một ngày nào đó người bệnh chỉ định người máy chữa bệnh chứ không phải là các bác sỹ con người. Điều đó cũng có thể thay đổi bởi ngay chính bản thân con người, khi chúng ta không tạo những chương trình tự động mà có quyền tự quyết định phẫu thuật mà không cần đến y tá, kỹ thuật viên hay nhân viên khác. Thay vào đó là tinh giản những thứ mà con người không thể làm, như xử lý hàng triệu dữ liệu một lần. Bác sĩ X quang của tương lai không phải là người đọc bản phim đơn thuần mà họ chính là nhà khoa học dữ liệu.
Sự đồng hành của Công nghệ và Y học là điều cần thiết. Nếu chúng ta tiếp tục tiến bộ trong y học thì luôn cần phải có tư duy hướng về phía trước mà không cần phải lo sợ về viễn tưởng AI.
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Cao Thế
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 1987
'Virus Facebook' đang trở thành cụm từ khá quen thuộc để chỉ những mối nguy hiểm khi sử dụng mạng xã hội có 1 tỷ người dùng trên một ngày này.
Theo công bố vào tháng 9/2015 của Facebook, mạng xã hội này hiện có 1,55 tỷ người dùng tích cực hàng tháng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số người dùng truy cập mạng xã hội này trên di động đạt con số 1,39 tỷ và có đến 1 tỷ người truy cập Facebook trong một ngày.
Từ những con số trên cho thấy bên cạnh việc sử dụng Facebook cho nhiều mục đích tích cực như kết bạn, kinh doanh… thì mạng xã hội này đã và đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm mạng phát tán mã độc.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bỏ qua những đặc tính kỹ thuật phức tạp cũng như nguyên tắc hoạt động của các loại mã độc phát tán qua Facebook mà chỉ điểm qua những “virus” phổ biến đang hoành hành trên Facebook, mức độ nguy hại và cách loại bỏ chúng. Bài viết sẽ gọi chung các phần mềm độc hại trên Facebook hoạt động một cách tự chủ và được điều khiển từ xa là “virus”.
Virus tự động gửi tin nhắn lên tường bạn bè
Đây là loại virus khiến người dùng Facebook “kinh sợ” trong suốt hơn 1 năm qua. Một khi xâm nhập được tài khoản Facebook của người dùng, virus này sẽ tự động cập nhật lên tường (Wall) của những người có trong danh sách bạn bè (Friends), danh sách những người đang theo dõi (Followers) những nội dung gây tò mò kèm theo đường dẫn (link) chứa mã độc. Tinh vi hơn, các đường link có phần mô tả giả mạo là được chia sẻ từ các trang web uy tín và được kiểm chứng an toàn bởi các công ty, công cụ bảo mật lớn. Chính nhờ các nội dung “câu khách” và “an toàn” này mà việc lây lan diễn ra rất nhanh mỗi khi các nạn nhân nhấn vào liên kết.
- Khi tài khoản của bạn gặp phải virus này, đầu tiên hãy nhanh chóng xóa toàn bộ dữ liệu duyệt web của trình duyệt đang dùng trên máy tính (tham khảo cách làm trên Safari tại: www.pcworld.com.vn/T1237447).
- Bước tiếp theo, bạn hãy đăng nhập vào Facebook từ máy tính, sau đó vào Settings (Thiết lập) > Apps (Ứng dụng) và xóa các ứng dụng lạ tại đây bằng cách nhấn dấu “x” ở bên phải. Để an toàn, bạn nên xóa hết tất cả các ứng dụng trong mục “Đã đăng nhập với Facebook” (Logged in with Facebook).
- Gỡ bỏ trình duyệt > tải về trình CCleaner (www.piriform.com/ccleaner) và quét phần Registry để sửa lỗi (đối với Windows) > quét virus toàn bộ hệ thống bằng các trình diệt virus có uy tín > gỡ bỏ các phần mềm, công cụ, toolbar lạ trên máy tính > quét và sửa lại lỗi Registry với CCleaner một lần nữa > khởi động lại máy tính.
- Để không bị nhiễm virus này, bạn tuyệt đối không nên nhấn vào các chia sẻ từ những tài khoản Facebook khác có phần mô tả hấp dẫn. Bạn cũng nên rê chuột lên ảnh đại diện của chia sẻ để xem liên kết thực trước khi nhấn vào.
- Để tránh virus này tự động cập nhật lên tường Facebook, bạn cần thiết lập lại chức năng duyệt status bằng cách vào Settings > Timeline and Tagging > chuyển tùy chọn Who can add things to my timeline (Ai có thể cập nhật vào dòng thời gian trên tài khoản Facebook của bạn) sang chế độ Review > Enabled. Kể từ lúc này, tất cả những bài đăng từ người khác trên tường nhà bạn (kể cả các hình ảnh, bài viết được gắn thẻ - tag) đều ở chế độ đợi bạn duyệt mới xuất hiện trên Facebook. Với thiết lập này, bạn sẽ không phát tán virus nếu tường Facebook của mình bị người khác cập nhật liên kết độc hại.
Virus phát tán qua chức năng thông báo
Hình thức phát tán virus trên Facebook này khá mới nhưng rất nhiều người trở thành nạn nhân. Khác với những thủ đoạn spam liên kết chứa mã độc hay dùng ứng dụng của Facebook, cách thức phát tán mã độc dựa trên chức năng thông báo này gây tò mò bằng cách cho xuất hiện thông báo “có người nhắc (mention) đến bạn” để nạn nhân nhấn vào và sập bẫy. Khi bạn nhấn vào thông báo dạng này thì trình duyệt sẽ chuyển sang một trang web giả mạo Facebook và yêu cầu người dùng đăng nhập để thu thập thông tin đăng nhập và chiếm tài khoản. Với các trình duyệt dùng nhân Chromium như Google Chrome sẽ tự động tải về và cài đặt một tiện ích mở rộng (Extension) để thu thập thông tin người dùng, danh sách bạn bè để tiếp tục “mention” và phát tán virus vào các tài khoản Facebook khác.
Đối với người dùng điện thoại Android, khi nhấn vào các thông báo độc hại này, Facebook sẽ chuyển hướng sang một trang web hiện quảng cáo để kiếm tiền hoặc tự động tải về gói cài đặt ứng dụng độc hại dạng APK.
Để hạn chế hệ điều hành tự cài đặt ứng dụng chứa mã độc, bạn cần tắt tùy chọn cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc bằng cách vào Settings > Applications > bỏ dấu chọn trước Unknown sources là xong.
Để không bị nhiễm virus “mention” qua chức năng thông báo này, bạn cần tỉnh táo và nhận ra sự bất thường ở trạng thái (status) mà mình được nhắc đến. Nếu status này từ một người không quen biết, được viết bằng tiếng nước ngoài hay chứa hình đại diện hấp dẫn, thậm chí là ảnh hoặc video khiêu dâm… thì bạn tuyệt đối không được nhấn vào.
Để an toàn hơn cho tài khoản Facebook và ngăn chặn việc mất thông tin đăng nhập thì bạn cần đổi lại mật khẩu có mức an toàn cao hơn (chẳng hạn một mật khẩu dài chứa ký tự hoa và thường lẫn lộn, kèm theo ký tự đặc biệt và chữ số…). Sau đó, bạn nên kích hoạt chức năng nhận mã đăng nhập (xác thực hai bước - 2-step verification) cho tài khoản Facebook bằng cách vào Settings > Security > đánh dấu chọn trước “Require a security code to access my account from unknown browsers” (yêu cầu nhập mã bảo mật để truy cập vào tài khoản từ các trình duyệt lạ) > nhấn chọn Get Started và làm theo hướng dẫn để chọn và thiết lập phương thức nhận mã đăng nhập qua ứng dụng hoặc SMS. Với tùy chọn này, khả năng tài khoản của bạn bị “hack” là rất thấp.
Virus tự động thêm bạn vào một nhóm
Thực chất của virus này là một công cụ hoặc một script giúp tự động thêm toàn bộ bạn bè có trong danh sách Friends vào một nhóm nào đó (thường mục đích của các nhóm này phục vụ mục đích mua bán, quảng cáo, phát tán mã độc…). Hiện tại, Facebook chưa có thiết lập ngăn chặn việc tự động thêm bạn vào một nhóm, do đó có một cách duy nhất là bạn rời nhóm theo cách thủ công và không cho phép quản trị nhóm này đưa bạn vào một lần nữa.
Trước tiên, bạn nhấn vào nhóm muốn thoát ra > nhấn chọn Leave Group > đánh dấu chọn trước “Prevent other members from adding you back to this group” và chọn Leave Group là xong.
Để chắc chắn tài khoản của mình không bị mã độc “âm thầm” tự động thêm vào các nhóm không mong muốn thì định kỳ bạn nên kiểm tra lại và rời nhóm thủ công bằng cách trên. Thao tác bằng cách nhấn vào Home > nhấn vào Groups > chọn thẻ Your Groups và lọc lại các nhóm “lạ” để thoát ra. Việc lọc lại này cũng giúp cho Timeline trên Facebook của bạn được sạch sẽ và không bị các liên kết độc hại quấy nhiễu.
Thông báo trúng thưởng giả mạo trên Facebook
Đây là một thủ đoạn lừa đảo mới gần đây sau vụ “ông chú Viettel” trước đây. Trước tiên, hacker dùng thủ đoạn phát tán mã độc để chiếm tài khoản của người dùng và sau đó chúng dùng chính tài khoản này để gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng. Sau khi chiếm được tài khoản, một phần mềm tự động sẽ đổi tên người dùng thành “Thông báo trúng thưởng”, “Thông báo sự kiện”, “Facebook Messenger” hay “Webmaster” và đổi avatar thành logo của một thương hiệu uy tín… và gửi tin nhắn hàng loạt đến các tài khoản trong danh sách bạn bè về việc trúng một giải thưởng có giá trị.
Khi nhận được các thông báo trúng thưởng này, bạn tuyệt đối không được làm theo hướng dẫn, không được nhấn vào bất kỳ đường link nào vì việc này sẽ tạo điều kiện cho hacker chiếm được tài khoản Facebook của bạn và phát tán tin nhắn đến bạn bè trong danh sách Friends của bạn.
Bên cạnh “thông báo trúng thưởng” thì thời gian gần đây xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo tương tự nhưng tinh vi hơn, đó là nhờ nạp tiền điện thoại dựa trên sự quen biết trên Facebook. Trước tiên, hacker dùng nhiều thủ thuật khác nhau để lấy thông tin đăng nhập của người dùng. Sau đó tìm hiểu kỹ càng các mối quan hệ trên tài khoản Facebook vừa chiếm được. Sau đó, dùng tiện ích Facebook Messenger để chat và dẫn dụ các nạn nhân đi nạp tiền điện thoại vì nhiều lý do “rất quan trọng”. Thậm chí, một số trường hợp hacker còn đánh vào lòng tham nhằm đạt được mục đích khi đưa ra những “món hời”, chẳng hạn như đang cần mua thẻ cào mệnh giá cao để kinh doanh và trả chiết khấu đến 50% cho “nạn nhân”…
Khi nhận được các tin nhắn “nhờ vả” này, cách tốt nhất là bạn gọi điện thoại ngay cho người bạn đang nhờ mình qua Facebook xem họ có cần giúp thật hay không. Nếu tài khoản của họ bị hack, bạn nên khuyên họ nhanh chóng đổi mật khẩu và thông báo công khai cho bạn bè biết để họ không bị mắc lừa. Ngoài ra, bạn nên thông báo cho bạn bè biết là sẽ không nhận lời bất cứ lời “nhờ vả” nào liên quan đến tiền bạc trên mạng xã hội ảo vì những thủ đoạn lừa đảo dạng này đang rất phổ biến và ngày càng tinh vi. Đây là việc làm cần thiết mà rất ít người nhận thấy trừ khi chính bản thân mình mắc bẫy.
Các trò lừa đảo phổ biến trên Facebook
Bên cạnh các trò lừa đảo kể trên, hiện trên Facebook cũng tồn tại nhiều thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi để dụ người dùng và chiếm tài khoản. Có thể kể đến các chiêu như: Ứng dụng “Ai đã xem hồ sơ Facebook của bạn” (Who viewed your facebook profile) để kích thích trí tò mò của người dùng, ứng dụng tăng lượt thích (like) trên Facebook, video khỏa thân - phim đen giả mạo, thay đổi màu sắc cho trang cá nhân (The Facebook Color Changer)… Bạn nên cảnh giác với các trò lừa đảo này.
- Chi tiết
- Tác giả Nguyễn Cao Thế
- Chuyên mục: Tin tức
- Lượt xem: 2389
Khi đọc về máy tính, bạn có lẽ đã biết rằng máy tính có thể đánh bại con người trên bàn cờ vua từ hàng chục năm trước. Nhưng cùng lúc, người ta vẫn nói rằng trí thông minh của chiếc máy vẫn chỉ ngang ngửa với con ruồi, con muỗi, phải còn rất lâu mới có thể đạt được như con người.
Tại sao lại có sự trái ngược này?
Nói ngắn gọn, câu trả lời nằm ở lối suy nghĩ theo kiểu "khi nào thì làm gì" của máy tính. Trong hàng chục năm qua, các bộ óc thiên tài của loài người tạo ra các cơ chế phần cứng, các ngôn ngữ lập trình phần mềm để tạo ra những câu lệnh logic "tủn mủn" dạng như: khi nhận được x = 2 thì thông báo x là số chẵn, khi nhận được x = 2 trong phép *4 thì trả về 8 v...v...
"Khi nào thì làm gì" diễn ra ở nhiều cấp độ: nhận được tín hiệu từ bàn phím/chuột truyền về CPU/mainboard thì làm gì, người dùng nhấn Ctrl F trong giao diện Word thì làm gì, máy chủ Facebook nhận được đoạn dữ liệu chứa comment của người dùng thì làm gì... Tất cả các hệ thống, dù phức tạp đến mấy đều được xây dựng từ những lớp "khi nào thì làm gì" tương tự như vậy.
Hiển nhiên, cả phần "khi nào" lẫn phần "làm gì" của máy tính chỉ là những con số. Là byte, là bit. Các biện pháp nhập liệu như bàn phím, chuột, màn hình cảm ứng; những cách thiết kế phần cứng/phần mềm rành mạch để bẻ nhỏ phần trách nhiệm cho từng kỹ sư phần cứng/phần mềm; các hệ điều hành (vốn là tầng phần mềm duy nhất được quyền giao tiếp trực tiếp đến phần cứng), các ngôn ngữ lập trình... đều là những cách để con người có thể truyền tải suy nghĩ của mình vào lối suy nghĩ khi nào thì làm gì của máy móc.
Cuộc sống của tôi và bạn về bản chất cũng là những chuỗi "khi nào thì làm gì". Đau thì khóc, ngửi thấy mùi hôi thì bịt mũi. Khi muốn viết bài gửi Genk thì rê chuột để bật Word. Nhìn thấy mèo thì chạy lại bế lên rồi xuýt xoa... Chúng ta cũng "khi nào thì làm gì", nhưng không phải là bằng 0 và 1 mà là bằng não bộ và các bộ phận tự nhiên của cơ thể, không phải là với những câu lệnh hay tín hiệu "tủn mủn" mà là với những "hành động" lớn có sự tham gia của não bộ và hệ thần kinh.
Chính sự giống và khác này lý giải vì sao máy tính có thể đánh bại con người trên bàn cờ vua nhưng vẫn thua xa trí thông minh con người: Bàn cờ vua chỉ có 64 ô, có 32 quân cơ chia làm 6 loại và 2 phe. Để thắng được cờ vua, bạn chỉ cần dự tính các bước đi của đối thủ.
Theo định luật Moore, máy tính cứ 18 tháng 1 lần thì lại mạnh gấp đôi. Năm 1997, máy tính IBM xây dựng được máy tính Deep Blue bao gồm 30 máy con được tích hợp vi xử lý 120MHz/mỗi máy và 480 chip VLSI đặc thù được dùng để tính toán ra 200 triệu vị trí bàn cờ trong một giây. Như thế, bằng cách dự tính được quá nhiều nước cờ chỉ bằng các phép tính kiểu "trâu bò", Deep Blue đã có thể đánh bại đại kiện tướng Kasparov một cách dễ dàng.
Đến nay, con người tuyệt nhiên không còn khả năng đánh bại các app cờ vua trên smartphone. Như thế, chúng ta đã có thể nói rằng "trí thông minh nhân tạo" (AI) đã có từ lâu: máy tính đã có các "đơn vị thông minh" có thể "cảm nhận" tình huống và tự chọn các hành động để đạt được mục đích của mình – trong trường hợp của Deep Blue, là "hiểu" và dự đoán được tình thế trên bàn cờ và chọn được bước để chiến thắng trên bàn cờ vua.
Khi chuyển sang những cuộc chơi khác, máy tính truyền thống không còn lợi thế với con người. Cờ vây chẳng hạn: trò chơi này có vô số nước đi phức tạp. Ngay cả ở năm 2015, một thế lực như Google cũng không thể tạo ra những server farm (trang trại máy chủ) có khả năng tính hết số nước đi có thể xảy ra trên bàn cờ vây. Một siêu máy tính của 10 năm nữa chưa chắc đã có thể đánh bại con người theo cách tính toán đơn thuần đã từng dùng trên bàn cờ vua.
Đây là lúc vai trò của "máy học" xuất hiện. AlphaGo trở thành một kỳ thủ giỏi không phải nhờ cách tính toán đơn thuần như DeepBlue, mà là "học" theo kiểu của con người: phải biết các chiến thuật, các bước đi, phải chọn lọc phản ứng phù hợp. Google không dùng phần cứng của AlphaGo để tính toán "tủn mủn" từng bước, mà để nạp dữ liệu từ rất nhiều ván cờ vây của quá khứ, để AlphaGo tự cải thiện bằng cách đấu với các kỳ thủ toàn cầu.
Tổng cộng, AlphaGo đã học 30 triệu bước đi từ các đối thủ con người và còn tự học được nhiều bước đi khác khi tự đấu với chính mình. Những gì AlphaGo biểu hiện chính là định nghĩa của máy học: máy tính vượt qua thứ logic "bước-luật lệ" bình thường để "học" từ dữ liệu và tự đưa ra các dự đoán phù hợp nhằm tạo các quyết định chính xác nhất.
3 đại kiện tướng Fan Hui, Lee Sedol và Ke Jie lần lượt bại trận trước cỗ máy của Google. Thậm chí, AlphaGo không chỉ nhận diện được cả chiến thuật của đối thủ (ví dụ, khi nào thì Lee Sedol đang đi theo hướng nakade). Với mô hình máy học, "lối suy nghĩ" dần dần vượt ra khỏi sự tủn mủn của bóng bán dẫn để mở rộng thành những "hành động" cao hơn, người hơn.
Bất chấp những thắng lợi to lớn trên bàn cờ vây - và sau đó là cả thắng lợi trong DOTA2 solo, AI vẫn sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể coi là thông minh ngang ngửa với con người. Cờ vây vẫn là một trò chơi có thể "số hóa" khá dễ: ví dụ, lập trình viên có thể dùng một ô nhớ để đại diện cho một vị trí trên bàn cờ, nếu là quân trắng thì dùng bit 0, quân đen thì dùng bit 1. Dĩ nhiên, giải thuật và cách thực thi của AlphaGo không đơn giản như vậy - nhưng để số hóa được ván cờ vây và số hóa được những hình ảnh, lời nói và hành động đơn giản trong cuộc sống con người vẫn là hai phạm trù khác biệt nhau.
Thử lấy một khái niệm đơn giản: mèo. Tôi có một đứa cháu 2 tuổi rưỡi vừa học nói, mỗi lần bà cho ăn nó lại nói "Bông ăn thì mèo không chạy lại cắn Bông" (vì Bông một lần bị mèo đuổi). Lúc Bông mới học nói, bà bế lên gác, nhìn thấy mèo, dù là mèo tam thể hay mèo Ba Tư, bà đều chỉ cho Bông.
Nhờ học bằng giọng nói, bằng hình ảnh, Bông biết "mèo" là... cái gì. Nếu như Bông nhìn thấy một con mèo khác, bất kể là lông tam thể hay lông xám khói, bất kể là mèo ta mũi nhọn hay mèo Ba Tư mũi tẹt, Bông đều biết là mèo. Hoặc khi bà dọa "mèo cắn bây giờ" thì trong đầu Bông sẽ xuất hiện một "khái niệm" về mèo. Con mèo tưởng tượng đó có những đặc điểm giống với mèo thật.
Máy tính làm sao để biết "mèo" là gì? Suy nghĩ và mạch máu của chúng là bit và byte. Chúng có thể "đọc" được các bit, các byte bên trong một bức ảnh 640 x 640 pixel, nhưng từ một ma trận 640 x 640 ô chứa các pixel màu khác nhau, làm sao chúng có thể "đọc" ra được những đặc điểm của con mèo, như mồm hình :3 có mấy sợi râu màu trắng, mắt tròn, tai hình tam giác... Khó hơn nữa, loài mèo có nhiều màu lông, chân và đuôi dài ngắn khác nhau, mũi nhọn/tẹt khác nhau...
Làm sao để máy móc có thể biết được con mèo là... con mèo?
Quá trình đưa "Khi nào thì làm gì" của máy móc đến gần "khi nào thì làm gì" của con người đã đi đến trở ngại lớn nhất: làm sao để máy móc hiểu được những cái "khi nào" trong cuộc sống của chúng ta.
Dĩ nhiên, bạn không gặp phải vấn đề của máy móc. Bộ não con người vốn là một mạng xử lý tuyệt tác do Mẹ Thiên Nhiên sáng tạo: số lượng neuron của não người lớn gấp 1 triệu lần (10^6) so với những nhân/đơn vị xử lý của các siêu máy tính "khủng" nhất hiện nay. Bộ não của chúng ta chứa khối dữ liệu từ hàng năm trời nghe, nhìn, cảm nhận qua giác quan, trong một "định dạng" dữ liệu khó thể hình dung bằng máy móc. Chúng ta có thể học để "nhận diện" mẹ, "nhận diện" bà, "nhận diện" con mèo, nhận diện các hình ảnh, tình huống trong cuộc đời mà không cần phải "bẻ nhỏ" thành các tín hiệu, các hàm, các tham số theo kiểu của máy móc.
Nhìn thấy một con mèo chưa gặp bao giờ, chúng ta vẫn biết nó là... mèo.
Đã từ lâu, các bộ não thiên tài của loài người đã nghĩ ra cách để dạy máy móc biết nhận diện con mèo trong bức ảnh. Chúng ta không có cách nào khác là ngồi và nghĩ ra những đặc điểm của con mèo (bốn chân, chân dài từ 5 đến 15cm, mồm có lông, mũi hình gần giống tam giác...). Mỗi đặc điểm chung chung này lại cần phải được phân tích thêm thành những đặc điểm chi tiết hơn để đến cuối cùng, chúng ta có được một bộ rất nhiều các đặc điểm loài mèo đã được "số hóa" triệt để thành các dòng code phức tạp.
Chúng ta "dạy" cho máy móc "học" các đặc điểm của mèo, qua dòng code.
Một trong những cách thực hiện quá trình dạy và học này là qua các mạng nơ-ron (neural network). Ở một neuron ("nơ-ron") – là một hình tròn trong bức ảnh ở trên, máy tính sẽ thực hiện một phép tính toán nào đó (bằng code, bằng byte, bằng mã nhị phân v...v..) để đưa ra một kết luận nhỏ: liệu dữ liệu được đưa vào "neuron" này có giống với dữ liệu thường có trên một bức ảnh chụp con mèo hay không? Nhiều lớp neuron kết hợp cùng nhau tạo thành một bộ lọc tổng thể: trên hình ảnh vừa "đọc", có thể đưa ra kết luận "là con mèo" hay không?
Dĩ nhiên, quá trình "lọc" thực tế và các thuật toán để tối ưu thì phức tạp hơn rất nhiều so với lời giải thích này của tôi: ở trên, chúng ta đang cố ép cách hiểu của mình vào các ví dụ đơn giản, dễ hình dung, vào các mạng neuron ít lớp. Trong thực tế, với các mạng neuron nhiều lớp, con người mới chỉ dừng ở bước sử dụng KẾT QUẢ do từng neural network tạo ra chứ chưa thể mổ xẻ (và ví von) vì sao chúng lại tạo ra kết quả như vậy.
Song, kết quả cuối cùng của một mạng neuron vẫn sẽ là một bộ lọc: khi nào thì đưa ra kết luận "đúng là con mèo".
Máy học còn có một vấn đề khác. Hãy thử nghĩ mà xem, nếu bạn KHÔNG chỉ cho Bông xem thế nào là một con "sư tử", Bông vẫn sẽ phân biệt được con "sư tử" trong một bức ảnh có 5 con sư tử, 6 con linh cẩu, 7 con voi, 8 con hà mã chẳng hạn. Bằng bộ não của mình, Bông vẫn tự nhận biết được rằng con vật có lông màu vàng, có mặt giống mèo khác với những con vật có mõm nhọn và lông đốm. Bông vẫn tự có được khái niệm "sư tử" dù không Bà dạy gọi tên.
Máy móc trước đây không thể thông minh như vậy. Muốn làm hệ thống nhận diện mèo, nhà khoa học dữ liệu đầu tiên phải tạo ra một bộ ảnh khổng lồ có định danh rõ ràng: đâu là bức ảnh chụp mèo, đâu là bức ảnh không chụp mèo. Và nếu như việc bẻ nhỏ các đặc điểm của một con mèo trên những bức ảnh tĩnh thành những phép lọc mà máy móc có thể hiểu được đã là quá khó khăn, chúng ta vẫn còn nhiều lĩnh vực khó nhận diện hơn thế: những con đường liên tục thay đổi, những căn bệnh mà y khoa chưa xác định hết triệu chứng, những bộ váy hợp với dáng người của chị A...
Khi đang theo đuổi tấm bằng tiến sĩ từ ĐH Stanford, một nghiên cứu sinh người Việt mang tên Lê Viết Quốc đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Bằng cách phóng đại mô hình neural network chỉ 100 lần, Quoc Le đã có thể tạo ra một mạng neuron có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn hơn hàng nghìn lần so với các hệ thống trước đó. Phát hiện này của Quoc Le thu hút được sự chú ý của Google Brains – bộ phận tập trung vào nghiên cứu deep learning của Google.
Quoc Le về đầu quân cho Google Brains dưới sự hỗ trợ của Andrew Ng (nhà sáng lập Google Brains và Coursera). Năm 2012, dự án quan trọng do Quoc Le và Andrew Ng kết thúc với một kết quả kinh ngạc: mạng lưới 1000 máy tính (tổng cộng 16.000 nhân xử lý) đã có thể tự động mô phỏng mạng neuron của con người và tự tạo ra khái niệm "mèo" từ 10 triệu bức ảnh không ghi chú.
Kỷ nguyên deep learning chính thức bắt đầu: chỉ cần khiến mạng neural network "sâu" hơn (nói nôm na: "sâu" trong "deep learning" có nghĩa là nhiều lớp), con người đã có thể nâng khả năng suy nghĩ của máy móc lên một đẳng cấp khác. Thay vì tốn công đánh dấu dữ liệu, hoặc thậm chí là cố gắng đi tìm những dấu hiệu mà chúng ta không hề biết đến (ví dụ, triệu chứng ung thư từ bản scan), con người đơn giản chỉ cần đi mua những chiếc card màn hình nhiều nhân CUDA hơn, hoặc mua thêm card màn hình để chúng tự hình thành khái niệm "mèo" của riêng mình thay vì phải được dạy "thế nào là mèo".
Từ sau công trình nghiên cứu lịch sử của Quoc Le và Andrew Ng, thị trường hi-tech cũng chứng kiến sự trỗi dậy của một mô hình thực thi deep learning mới: "điện toán GPU". Vốn được thiết kế để render hàng trăm vật thể chuyển động trên màn hình cùng lúc, GPU cũng trở thành loại chip thích hợp nhất thể hiện thực hóa các mạng neuron.
Cuộc cách mạng AI bùng nổ trên toàn cầu khi các tín đồ công nghệ càng ngày càng được nghe nhiều hơn về loại "trí thông minh" mà máy móc trước đó không thể thực hiện được. Bài toán nhận diện không dừng ở những chú mèo khi Tesla của Elon Musk, Uber và cả Google Venmo sử dụng các bộ cảm biến để xe hơi có thể "nhìn" được đường và tự lái.
Với các thiết bị dành cho người dùng phổ thông, mạng neural đã góp phần quan trọng trong việc tăng tốc loại giao diện có thể cách mạng hóa tương lai: giao diện giọng nói trên trợ lý ảo. Năm 2014, Apple nâng cấp "bộ não" của Siri lên trở thành mạng neuron ảo để bắt đầu xóa đi ấn tượng xấu của trợ lý ảo tiền khởi này.
Trước đó một năm, CEO Jeff Bezos của Amazon đặt ra mục tiêu không tưởng dành cho trợ lý ảo Alexa: phải trả lời người dùng được trong vòng 1 giây. Chìa khóa duy nhất để nhận diện được toàn bộ các thành phần... rối loạn trong ngôn ngữ nói của con người là deep learning: luồng thông tin audio từ khe microphone của loa Echo sẽ được phân tích tín hiệu âm học để lọc ra từ ngữ, kết hợp với hoàn cảnh sử dụng và thậm chí là cả cảm xúc xuất phát từ tiếng nói của chúng ta.
Kể từ đó đến nay, cuộc chiến trợ lý ảo đã tiếp tục nóng lên với sự góp mặt của Google Assistant và Cortana.
Một năm sau đó, Microsoft lại góp mặt vào một cuộc chiến công nghệ khác: chatbot. Chat qua ứng dụng tin nhắn đã trở thành một kênh giao tiếp quan trọng giữa các nhãn hàng và người dùng, nhưng một công ty dù là Forbes 500 hay là startup 3 người cũng không thể cung cấp hàng triệu nhân viên chỉ để chat với khách hàng tiềm năng. Chatbot sinh ra để tự động hóa quá trình giao tiếp: nôm na, khi phát hiện người dùng nói "tôi muốn chọn pizza", chúng sẽ phải chọn ra loại pizza thích hợp nhất để gợi ý.
Vì sao ư? Vì trong câu nói của người dùng mới chỉ có từ khóa "pizza". Muốn công việc kinh doanh được phát triển, chatbot sẽ cần nắm thêm rất nhiều thông tin không có trong câu chat như vị trí của người dùng, thời gian gọi bánh, sở thích quá khứ của người dùng, số điểm đang còn tích trong tài khoản v...v... Muốn "hiểu" hết các thông tin đó và chọn ra hướng giải quyết phù hợp nhất (ví dụ, tự động gợi ý pizza dứa, xếp chung vào đợt giao hàng lúc 9:30 để tiết kiệm chi phí), chatbot phải dùng mạng neuron để phân tích và chọn lọc.
Năm 2017 chứng kiến công nghệ AI "xâm lấn" loại thiết bị số trọng tâm của con người ở quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có.
Tháng 9, Apple công bố ra mắt chiếc iPhone X sử dụng neural network để xây dựng, phân tích và bảo mật cho người dùng: mô hình 3D từ 30.000 điểm kiến trúc sẽ không thể được phân tích theo bất kỳ một mô hình điện toán nào khác. Trong khi công nghệ này vẫn chưa hoàn hảo 100%, Face ID của Apple đã thực sự đưa bảo mật sang một chương mới: thu thập dữ liệu 30.000 điểm và chế tác mặt nạ 3D qua 5 lần thử/48 giờ khó khăn hơn, hay sử dụng các công cụ hack truyền thống hoặc qua mặt bản nhận diện 2D của vân tay/mống mắt khó khăn hơn?
AI không chỉ được dùng để sử dụng cho bảo mật trên iPhone. Bằng cách phân tích dữ liệu trên tấm ảnh, chip ISP (xử lý tín hiệu hình ảnh) tích hợp trong SoC A11 Bionic thậm chí còn có thể giảm nhiễu, tăng chất lượng ảnh chụp thiếu sáng và tăng tốc độ lấy nét. Một chế độ mới có tên "Portrait Lighting" cho phép phân tích bức ảnh chụp chân dung, tự làm hiệu ứng bokeh với phần khung nền hoặc giả lập hiệu ứng ánh sáng trên các đường nét của khuôn mặt.
Theo chân Apple, nhiều hãng đang sử dụng các thuật toán AI để TỰ cải thiện chất lượng ảnh chụp trên smartphone. Thế nhưng, chiếc smartphone chụp ảnh đẹp nhất (nói chung) lại là Pixel 2 của Google. Với thế hệ smartphone mới, Google thậm chí còn đưa thuật toán tiến xa hơn cả Apple: không cần 2 ống kính, vẫn có thể tạo ảnh bokeh chất lượng không kém gì bokeh bằng ống kính và zoom quang học.
Bên cạnh chiếc smartphone, Google còn nhiều "bảo bối" khác đến từ AI. Tai nghe không dây Pixel Buds có thể mang tới tính năng tự động dịch giọng nói. Máy quay clip sẽ liên tục lưu lại hình ảnh video của người dùng và tự chọn lọc ra những "khoảnh khắc" đáng nhớ. Trong cuộc chiến loa trợ lý ảo – có thể coi là lĩnh vực ứng dụng AI cho người dùng cuối nổi trội nhất hiện nay, Google đưa sản phẩm của mình xuống mức giá chỉ 50 USD để cạnh tranh với ông vua Amazon. Rõ ràng, Google muốn Google Assistant phải đến tay người dùng bằng mọi giá.
Nhưng "ông vua" Amazon không đứng yên để chờ đợi Google đuổi bắt. Từ nhiều tháng trước khi Google có Home Mini, Amazon đã ra mắt một phiên bản loa Echo có camera để tự động thu hình ảnh và gợi ý lựa chọn thời trang cho người tiêu dùng. Chiếc loa này giải quyết bài toán chắc chắn đã khiến Amazon đau đầu trong nhiều năm: người dùng mua quần áo online và rồi đổi trả vì không phù hợp, hay thậm chí là không muốn mua quần áo online vì không có "nhân viên" đứng chào hàng.
Hãy thử nghĩ về "bài toán" mà Amazon vừa giải quyết. Chúng ta sẽ giải bài toán đó như thế nào? Chúng ta sẽ vào cửa hàng, nhìn quanh và "phát hiện" một chiếc áo có vẻ hợp. Một "bài toán" thật đơn giản đến hiển nhiên, vậy mà phải đến hàng chục năm ứng dụng và phát triển, phải nhờ đến những phát hiện có cả dấu ấn của người Việt, máy móc mới có thể làm được
Bản chất của AI, của những khái niệm tưởng cao siêu như "neural network" là như vậy. Mô phỏng lại bộ não con người, chúng đang chập chững giúp chúng ta giải quyết những vấn đề, những bài toán vốn... quá đơn giản với bộ não của chúng ta.
Theo Tri Thức Trẻ
Danh mục các khóa học
Tin mới
- Hướng dẫn học tập trên cổng thông tin Bình dân học vụ số
- Tổ chức ôn tập và thi cấp chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin Tháng 6-2025
- Hội thi tin học trẻ Hà Tĩnh năm 2025 tại Trường Đại học Hà Tĩnh
- Hướng dẫn sử dụng Bandicam quay video màn hình
- Tập huấn xây dựng bài giảng trực tuyến, nâng cao chất lượng dạy và học trong thời đại số
Tin đọc nhiều
- Cách khắc phục một số lỗi của máy chiếu trong việc giảng dạy
- Hướng dẫn cài đặt Google Drive trên máy tính
- “Điểm mặt” 6 thách thức đe dọa an ninh xã hội từ không gian mạng
- "Em yêu biển đảo quê hương" - Một chủ đề trong Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII
- Lấy thông tin từ báo chí, Facebook, YouTube sẽ phải trả tiền bản quyền